Chế độ dinh dưỡng bé 8 tháng tuổi cực kỳ quan trọng, bởi đây là giai đoạn vàng giúp bé phát triển. Rất nhiều bố mẹ lo lắng không biết nên bổ sung cho con thực đơn như thế nào, chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý để con được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Vậy thì hãy cùng xem thực đơn viện dinh dưỡng chia sẻ cho bé 8 tháng tuổi như thế nào nhé!
Ngoài sữa mẹ trẻ 8 tháng tuổi cần được ăn bổ xung thêm chất dinh dưỡng từ các nguồn thức ăn, sữa công thức ngoài. Vậy bé 8 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ là điều quan trọng mà các mẹ nên biết.
Dinh dưỡng cho bé từ 8 đến 10 tháng gồm những gì?
1. Chất béo
Sữa mẹ là thực phẩm giàu chất béo và rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, khi bé đã hơn 8 tháng thì cần lượng chất béo nhiều hơn, sữa mẹ lúc này không đủ nên phải bổ sung từ thực phẩm bên ngoài. Muốn bé khỏe và thông minh, mẹ nên cung cấp đủ chất béo cho con. Một số thực phẩm giàu chất béo là quả bơ, bơ đậu phộng, thịt lợn, thịt cừu, thịt vịt,…
2. Chất đạm
Đạm để tạo chất dịch tiêu hóa, các nội tiết tố và là dưỡng chất cấu thành các tế bào trong cơ thể. Đạm là dưỡng chất tạo nên sự sống cho các tế bào của cơ thể.
Thực phẩm giàu đạm là trứng, sữa, đậu phụ, thịt gà, cá, tôm, lươn, cua, các loại đậu,…
3. Khoáng chất và vitamin
Rau và trái cây là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể khỏe mạnh. Ăn rau xanh và trái cây còn giúp hạn chế nguy cơ trẻ bị bón, rối loạn tiêu hóa, ngăn ngừa ung thư,…
Những thực phẩm có chứa nhiều vitamin, khoáng chất là rau dền, cà rốt, bí đỏ, khoai tây, khoai lang, súp lơ,…
4. Tinh bột
Tinh bột cung cấp 50% năng lượng cho hoạt động của bé. Thiếu tinh bột dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, kém tập trung, bé hay buồn ngủ và lười vận động.
Mẹ nên bổ sung tinh bột cho con bằng cháo, bún, phở, yến mạch, khoai lang, các loại hạt đậu,…
Khẩu phần ăn của bé từ 8-10 tháng như thế nào hợp lý?
Chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất,…thì chất nào cũng cần thiết. Các mẹ nên chú ý là cho con ăn đủ tất cả các chất dinh dưỡng và cân bằng chế độ ăn hợp lý, tránh để thiếu chất này thừa chất kia.
Khẩu phần ăn của bé trong 1 ngày là:
- ¼ đến ½ chén ngũ cốc giàu chất sắt.
- ¼ đến ½ chén sữa.
- ¼ đến ½ chén trái cây chín được nghiền.
- ¼ đến ½ chén rau xanh và củ quả nghiền.
- ¼ chén thức ăn có chứa nhiều protein.
Nếu như bé từ 6-8 tháng đã ăn được thức ăn xay nhuyễn thì giai đoạn này mẹ có thể cho bé ăn thức ăn nghiền hoặc cắt nhỏ. Mẹ nên đa dạng các món ăn để bé không bị ngán và giúp bé quen với nhiều món ăn.
Nếu cho bé ăn những món ăn cắt nhỏ mẹ nên chú ý trẻ vì có thể trẻ sẽ bị hóc, nghẹn, điều này rất nguy hiểm, bố mẹ cần theo dõi con cẩn thận.
Mỗi bữa nên để cách nhau 2 tiếng để trẻ không bị quá no, vì giai đoạn này trẻ sẽ ăn nhiều bữa/ngày.
- Bé từ 4–6 tháng tuổi nên ăn 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa 2–4 muỗng cà phê thức ăn.
- Bé từ 7–12 tháng tuổi nên ăn 3 bữa mỗi ngày, thức ăn vừa phải bằng nắm tay bé.
Điều quan trọng là mẹ cần lên thời gian biểu cho con, để con quen dần với cữ ăn mỗi ngày. Cho bé ăn 2–3 bữa chính mỗi ngày và đan xen là bữa ăn nhẹ (có thể là, hoa quả, váng sữa hoặc sữa chua…). Để bé không khát hãy cho bé uống sữa bổ sung.
Một số món ăn đầy đủ dinh dưỡng và ngon miệng theo hướng dẫn từ Viện dinh dưỡng quốc gia
1. Cháo thịt heo cải ngọt
Nguyên liệu:
- Thịt heo (nạc, băm nhuyễn): 1 muỗng
- Cháo/bột gạo: 4 muỗng
- Cải ngọt (băm nhuyễn): 1 muỗng
- Nước mắm: một ít
- Dầu ăn: 1 muỗng
- Nước: 1 chén (nếu dùng bột gạo)
Cách chế biến:
Cho thịt heo vào nước, bắc lên bếp đun sôi. Cho cải ngọt vào nấu chín mềm, bắc xuống để bớt nóng. Trộn vào cháo hoặc bột, thêm dầu ăn và nước mắm rồi cho bé thưởng thức.
2. Cháo thịt heo bí đao
Nguyên liệu:
- Thịt heo (nạc, băm nhuyễn): 1 muỗng
- Cháo/bột gạo: 4 muỗng
- Bí đao (Gọt vỏ, bỏ hạt, băm nhuyễn): 1 muỗng
- Nước mắm: Có thể thêm một ít, tuy nhiên mẹ có thể cho bé ăn không cần nêm thêm gia vị trong giai đoạn này.
- Nước: 1 chén (nếu dùng bột gạo)
- Dầu ăn: 1 muỗng
Cách chế biến:
Hòa thịt với nước cho tan đều. Đun sôi hỗn hợp, cho bí đao vào. Đun đến khi bí mềm thì nhắc xuống và để cho bớt nóng. Trộn bột/cháo vào, thêm dầu ăn, thêm nước mắm (nếu cần) và cho bé thưởng thức.
3. Cháo cá cà rốt
Nguyên liệu:
- Cháo/bột gạo: 4 muỗng
- Cà rốt (luộc chín, tán nhuyễn): 1 muỗng
- Cá nạc tươi (hấp chín, tán nhuyễn): 1 muỗng
- Dầu ăn: 1 muỗng
- Nước: 1 chén (nếu dùng bột gạo)
Cách chế biến:
Đổ bột vào nước ấm khuấy đều cho đến khi bột mịn nhuyễn. Trộn cá, cá rốt, nước nắm, dầu ăn vào bột đã pha (hoặc cháo) và cho bé thưởng thức.
Với thực đơn trên, các mẹ có thể tham khảo để chế biến cho bé ăn mỗi ngày. Giai đoạn đầu đời rất quan trọng, mẹ hãy bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu giúp con phát triển toàn diện.