Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu vào động mạch. Huyết áp được tạo ra do tương tác giữa lực co bóp của tim và sức cản của động mạch, giúp vận chuyển máu đi khắp cơ thể, cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho các cơ quan duy trì hoạt động của cơ thể.

Đơn vị đo huyết áp là gì?

Đơn vị đo huyết áp là mi-li-mét thủy ngân, viết tắt là mmHg. Trị số huyết áp đo được thể hiện bằng hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa ở mức bình thường trong khoảng từ 90-139 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương hay còn gọi là huyết áp tối thiểu ở mức bình thường trong khoảng từ 60-89 mmHg. 

Tại sao huyết áp lại quan trọng với sức khỏe?

Để đáp ứng các hoạt động thường ngày, huyết áp phải được duy trì ở mức sinh lý thích hợp. Khi trị số huyết áp vượt ra khỏi giới hạn sinh lý này, nó sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm liên quan đến tim, não và thận.

Huyết áp cao gây ra các biến chứng như: đột quỵ cấp, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận cấp, phù phổi cấp, bóc tách động mạch chủ… Về lâu dài, huyết áp cao dẫn đến suy timbệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh thận mạn… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần.

Huyết áp thấp không đảm bảo tưới máu cho hoạt động của các cơ quan, nếu không được điều trị, cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng thần kinh, tổn thương não, tim, thận, thậm chí tử vong.

Huyết áp bất thường có nguy cơ dẫn đến bệnh lý nguy hiểm liên quan đến tim, não.

Vì sao huyết áp lại dao động liên tục?

Huyết áp không phải lúc nào cũng giữ nguyên một trị số, mà thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Số đo huyết áp tại các thời điểm khác nhau có thể không giống nhau, nhưng vẫn nằm trong mức sinh lý bình thường. Khi vận động, tập luyện thể dục, làm công việc nặng hoặc phấn khích… huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi nghỉ ngơi, đặc biệt là khi ngủ, huyết áp sẽ thấp hơn.

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố khác từ môi trường bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng, khiến huyết áp có sự dao động liên tục. Do đó, trị số huyết áp dao động suốt cả ngày là điều bình thường nếu vẫn trong giới hạn sinh lý.

Các yếu tố nguy cơ làm thay đổi huyết áp

Tình trạng huyết áp tăng hoặc giảm so với mức bình thường có thể do nhiều yếu tố khác nhau tác động, bao gồm yếu tố bên trong cơ thể và những yếu tố từ bên ngoài.

1. Yếu tố bên trong cơ thể

Những yếu tố bên trong cơ thể ảnh hưởng đến huyết áp như:

  • Hoạt động của tim: Khi tốc độ bơm máu của tim tăng, huyết áp cũng sẽ tăng lên và ngược lại, huyết áp giảm khi tốc độ co bóp của tim giảm.
  • Khối lượng máu tuần hoàn giảm sẽ làm huyết áp giảm, khối lượng máu tuần hoàn tăng thì huyết áp cũng tăng.
  • Sức cản của mạch máu: Tình trạng co mạch làm tăng huyết áp, giãn mạch làm giảm huyết áp. Xơ vữa thành mạch máu làm thành mạch kém đàn hồi và tăng đề kháng dẫn đến huyết áp cao.

2. Yếu tố môi trường

Chế độ ăn uống thiếu khoa học như ăn mặn (nhiều muối), nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Sống và làm việc trong môi trường nhiều áp lực, thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, lười vận động. Như vậy, chúng ta cần có trạng thái tinh thần vui vẻ, chế độ sinh hoạt khoa học, thường xuyên vận động sẽ giúp duy trì huyết áp ổn định.

Phân loại huyết áp

Các phạm vi huyết áp được phân loại bao gồm:

1. Huyết áp thấp

Huyết áp thấp là khi chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương dưới 60mmHg. Huyết áp thấp được chia thành 2 loại là: huyết áp thấp mạn tính và hạ huyết áp đột ngột. Đây là triệu chứng của nhiều bệnh và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi.

2. Huyết áp bình thường

Chỉ số huyết áp tâm thu từ 90-129 mmHg, thường từ 110-129 mmHg và huyết áp tâm trương từ 60 – 84 mmHg, thường từ 70-84 mmHg được coi là nằm trong phạm vi bình thường. Nếu kết quả đo huyết áp của bạn nằm trong mức độ này, nên tiếp tục duy trì các thói quen sinh hoạt tốt cho tim như tuân thủ về chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi.

3. Tiền tăng huyết áp

Huyết áp tâm thu từ 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 85-89 mmHg là mức tiền tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp thường không có triệu chứng cụ thể, do đó, nên thường xuyên đo huyết áp tại nhà hoặc đến bệnh viện kiểm tra theo định kỳ để sớm phát hiện và có biện pháp điều trị, giúp đưa huyết áp về mức bình thường.

4. Tăng huyết áp độ 1

Huyết áp tâm thu từ 140-150 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90-99 mmHg được xếp vào tăng huyết áp độ 1. Ở giai đoạn tăng huyết áp này, người bệnh phải đến cơ sở y tế để có chế độ điều trị thích hợp, sẽ ngăn ngừa huyết áp tiến triển đến mức cao hơn.

5. Tăng huyết áp độ 2

Tăng huyết áp độ 2 là khi huyết áp tâm thu từ 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 110-109 mmHg thường xuyên.

6. Tăng huyết áp độ 3

Tăng huyết áp độ 3 khi chỉ số đo huyết áp tâm thu ≥ 180mmH và/hoặc ≥ 110 mmHg đối với huyết áp tâm trương.

TRong trường hợp tăng huyết áp từ độ 2, nhất là tăng huyết áp độ 3, bệnh nhân có thể đã có tổn thương cơ quan đích như tim, não, thận do tác động của huyết áp cao lâu ngày. Việc trị liệu bao gồm thay đổi lối sống và uống thuốc hạ áp. Bệnh nhân phải nghiêm túc tuân thủ trị liệu, để ngăn ngừa các tác hại của tăng huyết áp.

Giúp giảm huyết áp

Tăng huyết áp độ 3 là tình trạng cực kỳ nguy hiểm

7. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc khi huyết áp tâm thu từ trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg, thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi.

Huyết áp được kiểm tra như thế nào?

Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến bệnh viện để được nhân viên y tế đo chính xác. Ngoài ra người bệnh có thể mang thiết bị Holter huyết áp 24h giúp theo dõi huyết áp trong suốt 24 giờ đồng hồ.

1. Tự đo tại nhà

Đo huyết áp tại nhà giúp phát hiện tăng huyết áp ở người không tăng huyết áp trước đó, theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh nhân tăng huyết áp. Tự đo huyết áp tại nhà có thể một đến hai lần/ngày, hoặc khi có các dấu hiệu nghĩ liên quan đến tăng huyết áp. Cần phải ghi chép lại trị số huyết áp sau mỗi lần đo. Khi tự đo huyết áp tại nhà, nên thực hiện theo các bước như sau:

  • Đi vệ sinh rồi nghỉ ngơi khoảng 5 phút trước khi đo;
  • Tư thế khi đo huyết áp: ngồi thẳng trên ghế, hai chân đặt trên nền, không bắt chéo chân, cánh tay để ngang với tim;
  • Quấn vòng bít đúng vị trí quanh cánh tay;
  • Nghỉ ít nhất 1-2 phút giữa 2 lần đo và lấy kết quả cao hơn.


2. Nhân viên y tế đo theo đúng quy trình

Quy trình đo huyết áp được thực hiện như sau:

  • Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh tối thiểu 5-10 phút trước khi đo huyết áp;
  • Trước đó 2 giờ không dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia;
  • Tư thế đo chuẩn: người được đo ngồi trên ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khủy tay nằm ngang mức tim;
  • Sử dụng huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử. Quấn băng đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim;
  • Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe;
  • Không nói chuyện khi đang đo huyết áp;
  • Lần đo đầu tiên nên đo ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau;
  • Nên đo ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đó cách nhau trên 10 mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối;
  • Ghi lại số đo huyết áp theo đơn vị mmHg, không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.

3. Đo bằng máy Holter huyết áp 24h

Máy Holter huyết áp 24h giúp theo dõi các chỉ số huyết áp theo hình thức tự động và hoạt động liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, thường là từ 24-48 giờ. Đây là cách theo dõi huyết áp tại nhà một cách tự động, đơn giản và hiệu quả. Có thể đo và ghi lại kết quả ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng, lúc đang sinh hoạt hoặc đang nghỉ ngơi.

Người có huyết áp thay đổi bất thường nên làm gì?

Nếu huyết áp thay đổi bất thường, nhất là có triệu chứng kèm theo như nhức đầu, chóng mặt, đau ngực… trước tiên bạn cần ngừng công việc đang làm lại, đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bạn sẽ nhận được chế độ điều trị thích hợp.

Nếu huyết áp thay đổi bất thường nên đến gặp bác sĩ để thăm khám kỹ và được hướng dẫn điều trị

Biện pháp kiểm soát huyết áp ổn định

Tùy thuộc vào mức huyết áp của bạn là cao hay thấp, bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp kiểm soát huyết áp thích hợp. Điều quan trọng là người bệnh tăng huyết áp cần điều trị kết hợp giữa việc dùng thuốc hạ áp theo chỉ định của bác sĩ với việc thay đổi lối sống khoa học để ổn định huyết áp lâu dài. Lối sống khoa học bao gồm chế độ ăn uống khoa học, thói quen vận động thường xuyên mỗi ngày, nghỉ ngơi hợp lý và tránh căng thẳng, áp lực quá mức trong công việc và gia đình.

Cách phòng ngừa huyết áp thay đổi ảnh hưởng sức khỏe

Để chỉ số huyết áp luôn được kiểm soát ổn định, tránh tình trạng thay đổi ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên áp dụng một số điều chỉnh trong lối sống như:

1. Xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp

  • Ưu tiên bổ sung những thực phẩm chứa nhiều canxi, kali, vitamin có trong trái cây tươi, rau củ, các loại đậu;
  • Điều chỉnh lượng muối phù hợp trong khi chế biến món ăn tùy theo tình trạng huyết áp;
  • Uống đủ nước mỗi ngày;
  • Hạn chế sử dụng những thực phẩm được chế biến sẵn, các món chiên xào nhiều dầu mỡ.

2. Có chế độ sinh hoạt khoa học

Người có huyết áp thay đổi bất thường, nên rèn thói quen vận động thể lực đều đặn, thực hiện các bài tập vừa sức giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, thúc đẩy khả năng lưu thông máu cho cơ thể. Đồng thời, duy trì lối sống lạc quan, vui vẻ, tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng quá mức, tránh thức khuya. Ngừng hút thuốc lá, giảm lượng rượu bia cũng là cách giúp kiểm soát huyết áp.

3. Thường xuyên kiểm tra huyết áp

Mỗi người nên chủ động trong việc theo dõi huyết áp tại nhà hoặc thăm khám định kỳ tại bệnh viện. Điều này sẽ giúp sớm phát hiện chỉ số huyết áp thay đổi bất thường, kịp thời có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa tình trạng huyết áp quá thấp hoặc quá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Câu hỏi thường gặp về huyết áp

1. Bao lâu nên kiểm tra huyết áp một lần?

Với một người trưởng thành dưới 40 tuổi, chưa mắc huyết áp cao, nên kiểm tra huyết áp ít nhất 3-5 năm/lần. Nếu bị béo phì, thừa cân, mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, suy thận và trên 40 tuổi nên kiểm tra ít nhất 1 năm/ lần. Đặc biệt, đối với người bị cao huyết áp, nên kiểm tra huyết áp tại nhà ít nhất 1 lần mỗi ngày.

2. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu tự đo huyết áp tại nhà ghi nhận các chỉ số huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương thường xuyên thấp hoặc cao quá so với mức bình thường là 120/80mmHg, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra chuyên sâu. Hoặc khi có triệu chứng bất thường như chóng mặt, da môi và tay tím tái, người ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi, rối loạn nhịp tim, ngất xỉu… nên nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, kiểm tra kỹ. (4)

Việc theo dõi huyết áp là vô cùng quan trọng giúp phát hiện, điều trị để ổn định huyết áp, kiểm soát tốt các bệnh liên quan. Mỗi gia đình có thể tự trang bị thiết bị đo huyết áp tại nhà, kết hợp điều chỉnh về dinh dưỡng, sinh hoạt và thăm khám sức khỏe đều đặn để duy trì huyết áp ở mức khỏe mạnh.