Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) mỗi năm có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ. Trong số này có khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu người bị thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên.

Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta cũng ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và có khoảng 11.000 người tử vong do đột quỵ.

Đáng nói là đột quỵ đang ngày càng trẻ hoá, vì thế hiểu rõ về đột quỵ là chìa khoá để cứu chữa người bệnh kịp thời đúng cách đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Theo đó, PGS Tạ Mạnh Cường thông tin, có 2 nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não đó là tắc mạch não và xuất huyết não.

Với nguyên nhân đột quỵ do tắc mạch não

Một là tắc mạch não do mảng xơ vữa mạch:

Trong mạch máu có các mảng vữa xơ, đến một thời điểm nào đó những mảng vữa xơ này bị nứt và vỡ ra, không di chuyển được hoặc di chuyển nhưng lại ngáng dòng chảy trong mạch. Khi đó, mạch máu nuôi tế bào não bị tắc lại làm cho dòng máu không lưu thông được, các tế bào não không có máu nuôi dưỡng (gọi là nhồi máu não) dẫn đến đột quỵ não. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ nó đến chiếm 85% các trường hợp đột quỵ.

Câu hỏi đặt ra các mảng vữa xơ động mạch đó sinh ra từ đâu và nó hình thành như thế nào?. Đó là do các bệnh lý như Tăng huyết áptiểu đường, mỡ máu. Các bệnh này diễn ra lâu ngày làm thành mạch cứng lại, làm mất chức năng các mạch máu gây ra vữa xơ động mạch. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như thói quen hút thuốc lá cũng làm hỏng mạch máu.

Từ những phân tích trên có thể hiểu nguyên nhân lớn nhất dẫn đến đột quỵ não chính là do Tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu và thói quen hút thuốc lá…

Hai là tắc mạch não do các huyết khối:

Người mắc các bệnh lý về tim mạch gây ra rối loạn nhịp tim, tim đập không đều, tim hoạt động không theo tuần tự dẫn đến việc máu bị ứ động lại trong buồng tim hình thành cục máu đông (hay còn gọi là huyết khối) làm bít tắc mạch máu.

Thông thường máu được bơm về tim sau đó theo động mạch chủ đi lên động mạch cảnh lên não nuôi dưỡng tế bào não, nhưng do mạch máu bị bít tắc lại, máu không lưu thông được lên não và dẫn đến tắc mạch não gây đột quỵ.

Với nguyên nhân xuất huyết não

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xuất huyết não phải kể đến là Tăng huyết áp. Khi huyết áp lên cao mạch máu bị bơm mạnh, thành mạch yếu nên bị phình và vỡ, máu chảy ra ngoài thành mạch, lúc ấy thành mạch bị mất chức năng luân chuyển máu đồng thời khối máu tụ chèn ép làm chết tế bào não gây ra đột quỵ não.

Như vậy có thể thấy, Tăng huyết áp vừa có thể gây tắc mạch máu não vừa có thể gây ra tình trạng xuất huyết não.

Đột quỵ hiểu đúng để phòng ngừa và điều trị hiệu quả - Ảnh 2.

Đột quỵ não do các nguyên nhân như tắc mạch não và xuất huyết não (ảnh minh hoạ)

Một số trường hợp khác gây xuất huyết não mà không phải do Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu như đã nó ở trên mà nó liên quan đến cấu trúc thành mạch của mỗi cá nhân, ví dụ như bị phình mạch não, dị dạng mạch não. Với những bệnh cảnh này thì bản thân người bệnh cũng không thể biết được chỉ đến khi điểm phình đó vỡ ra và gây nên xuất huyết não mới phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên, bệnh lý này gặp ít hơn. 

Chia sẻ về việc hiện nay nhiều người trẻ tuổi đột quỵ đang có xu hướng gia tăng, PGS. Tạ Mạnh Cường lý giải:

Thứ nhất: Ngày nay do sự phát triển của y tế nên chúng ta có nhiều phương tiện để phát hiện bệnh dễ hơn, người dân được tuyên truyền hướng dẫn về cách phát hiện và phòng bệnh nên khi xảy ra dấu hiệu người bệnh kịp thời đến bệnh viện phát hiện và điều trị ngay. Trong khi trước kia nếu có bị mọi người thường hay cho đó là cảm gió mà ở nàh không đến viêtn.

Thứ hai: theo PGS Cường, hiện nay các mạn tính như bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc mắc nhiều hơn ở người trẻ, mà người trẻ chưa có ý thức điều trị các bệnh này nên có thể lý giải về tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ gia tăng.

Về nhận biết các dấu hiệu đột quỵ để đảm bảo "giờ vàng" trong điều trị đột quỵ:

PGS Cường khuyến cáo:

Nếu người thân đang bình thường mà đột ngột có các biểu hiện dưới đây cần phải lưu ý:

Đột ngột méo miệng, mặt lệch, không nói được, nói khó, tay không nâng lên được, chân yếu… cần nghĩ đến đột quỵ.

Khi đó cần hỗ trợ bệnh nhân tránh bị ngã, thương tích, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có năng lực chẩn đoán đột quỵ (cơ sở y tế làm được xét nghiệm chụp cắt lớp sọ não).

Tuyệt đối không đánh gió, cạo gió, uống thuốc hạ áp…

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp cần phải tuân thủ điều trị thuốc theo đúng số lượng, đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không được tự ý ngừng thuốc.

Trong trường hợp chưa đi khám bệnh được mà hết thuốc thì tạm thời có thể mua thuốc theo đơn đã được kê trước đó để dùng, nhưng khi có điều kiện đi khám lại, tuyệt đối không được bỏ thuốc.

Người bệnh nên lưu giữ số điện thoại liên hệ với bác sĩ trong suốt quá trình dùng thuốc tại nhà.

Như vậy, hiểu được cơ chế cũng như nguyên nhân gây ra đột quỵ một cách rõ ràng người bệnh sẽ có những phương pháp phòng bệnh tốt hơn, tránh xảy ra những tai biến không đáng có.

*****************************************************************************************************