1. Cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp ngoài ra còn có tên gọi là tăng huyết áp, lên tăng-xông, là bệnh lí mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa trong cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO năm 2000 có đến 972 triệu người bị cao huyết áp và dự tính đến năm 2015 sẽ lên đến 1,56 tỷ người.

Diễn biến bệnh âm thầm nhưng có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng do cao huyết áp gây ra ảnh hưởng đến tính mạng như tai biến mạch máu não, suy cơ tim cấp, suy thận, rối loạn tuần hoàn máu não.

Huyết áp được xác định qua hai chỉ số:

- Huyết áp tâm thu: Đo áp suất trong động mạch khi tim đập và tống máu đi, khi cơ tim hoạt động.

- Huyết áp tâm trương: Đo áp lực máu trong động mạch giữa các nhịp tim, giữa hai lần đập của tim.

Dựa vào hai trị số trên Hiệp hội Tim mạch Việt Nam đã đưa ra bảng phân loại độ tăng huyết áp:

cao huyết áp là gì

Bảng phân loại độ tăng huyết áp được áp dụng nhiều nhất hiện nay

2. Nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp thường được chia làm 4 loại chính, mỗi loại có những nguyên nhân khác nhau gây ra.

- Cao huyết áp vô căn: hay còn gọi là cao huyết áp nguyên phát, đa số thường không rõ nguyên nhân vì sao chỉ số huyết áp lại tăng cao hơn bình thường.

- Cao huyết áp thứ phát: Trẻ em và người lớn mắc bệnh thận và tim mạch có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp sau đó.

- Cao huyết áp tâm thu: Khi cơ thể già đi hệ động mạch cũng lão hóa mất dần độ co giãn như trước đây, xuất hiện nhiều mô sẹo làm cản trở dòng lưu thông của máu dẫn đến áp suất trong lòng mạch khi máu chảy qua tăng.

Cao huyết áp thai kỳ (tiền sản giật): bệnh thường gặp ở những phụ nữ trong quá trình mang thai bị nhiễm độc thai nghén.

Một số nguyên nhân khác:

- Có những loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp, khi ngưng sử dụng có thể vài tuần sau huyết áp sẽ trở lại bình thường.

- Bệnh nhân mắc bệnh thận bẩm sinh, hẹp động mạch chủ bẩm sinh.

- Bệnh tuyến thượng thận, tuyến giáp.

- Do sử dụng thuốc tránh thai.

- Người nghiện rượu.

Nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp:

- Các yếu tố có thể điều chỉnh được như: Béo phì, ăn quá mặn, hút thuốc lá, nghiện rượu thường xuyên, lười vận động, stress căng thẳng là nhóm người có nguy cơ cao huyết áp cao hơn so với người bình thường.

- Các yếu tố không thể điều chỉnh được: tuổi càng cao càng có nguy cơ cao mắc bệnh. Người Mỹ gốc Phi có tỉ lệ bị cao huyết áp cao hơn người Cancasians. Trong gia đình có tiền sử bệnh cao huyết áp những thành viên còn lại cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

3. Triệu chứng cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp là căn bệnh giết người thầm lặng bởi thông thường người bệnh không nhận biết được triệu chứng gì cho đến khi đi kiểm tra và đo huyết áp. Rất nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp trong nhiều năm mà không hề hay biết nếu không vô tình đi bác sĩ hoặc có những biến chứng nguy hiểm do cao huyết áp gây ra.

Các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, mệt mỏi,... không phải là đặc trưng của bệnh tăng huyết áp.

Cách tốt nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không là theo dõi đo huyết ápthường xuyên trong một khoảng thời gian nếu có nghi ngờ.

Cao huyết áp được phân loại như sau:

- Tiền tăng huyết áp: kết hợp huyết áp bình thường và bình thường cao, nghĩa là từ 120 - 139 mmHg/ 80 - 89 mmHg.

- Giai đoạn 1: chỉ số huyết áp là 140 - 159 mmHg và/ hoặc 90 - 99 mmHg.

- Giai đoạn 2: chỉ số huyết áp là 160 - 179 mmHg và/hoặc 100 - 109 mmHg.

- Giai đoạn 3: chỉ số huyết áp ≥ 180 mmHg và/hoặc ≥ 110 mmHg.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: huyết áp tâm thu tăng ≥140 mmHg đi kèm với huyết áp tâm trương bình thường < 90 mmHg ở người lớn.

Những biến chứng nguy hiểm có thể gặp:

Cao huyết áp ảnh hưởng đến tim, hệ thống động mạch và nhiều cơ quan chức năng khác trong cơ thể.

- Tim: phải hoạt động nặng trong một thời gian dài nên có xu hướng to ra, giãn ra, thành tim bị dày lên dần dần dẫn đến suy tim.

- Cao huyết áp gây xơ vữa động mạch dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành mạn tính, bệnh động mạch chủ hoặc động mạch ngoại vi,....

- Phình bóc tách động mạch: làm bệnh nhân có nguy cơ chảy máu nội bộ gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Tổn thương thận và mắt: các mạch máu trong thận hẹp lại gây suy thận, các mạch máu trong mắt vỡ hoặc chảy máu gây biến chứng mù lòa.

triệu chứng cao huyết áp

Triệu chứng cao huyết áp rất khó nhận biết vì vậy cách tốt nhất nên thường xuyên theo dõi huyết áp mỗi ngày

4. Điều trị bệnh tăng huyết áp

Nguyên tắc điều trị bệnh tăng huyết áp:

Điều chỉnh huyết áp về thấp hơn 140/90 mmHg để tránh những biến chứng nguy hiểm.

- Thực hiện tốt các biện pháp điều trị dùng thuốc và thay đổi lối sống.

- Xử lí các bệnh lí khác có kèm theo.

Điều trị bằng thay đổi lối sống:

- Áp dụng khi tình trạng cao huyết áp không quá nghiêm trọng để kiểm soát mức huyết áp tốt hơn.

- Chế độ ăn uống cần điều chỉnh hợp lí tăng khẩu phẩm rau xanh, trái cây, ngũ cốc, hạn chế chất béo. Giảm tối đa muối, mỡ động vật và đồ ăn ngọt.

- Giảm cân nặng và duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng.

- Tăng cường vận động, tập thể thao thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày.

- Những người đang hút thuốc lá hoặc nghiện rượu cần cai gấp để làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch.

- Thư giãn đầu óc, tránh làm việc căng thẳng quá sức.

Điều trị bằng thuốc:

- Chỉ sử dụng thuốc khi có hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về uống, tái khám theo đúng lịch hẹn.

- Nhờ vào sự phát triển của Y học hiện đại các thuốc hạ huyết áp hiệu quả tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn. Tùy vào nguyên nhân và tình trạng của mỗi cá nhân bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp, xu hướng phối hợp thuốc ngay từ đầu để khống chế tốt bệnh cao huyết được áp dụng khá nhiều.

 

5. Phòng ngừa bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp thường vô căn khó xác định nguyên nhân nhưng mỗi người đều có thể tự kiểm soát được nguy cơ mắc bệnh khi áp dụng lối sống khoa học, hợp lí:

- Giữ mức cân nặng lí tưởng.

- Bổ sung vào thực đơn nhiều rau xanh, hoa quả, giảm chất béo bão hòa giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, gan và huyết áp.

- Nên giảm lượng muối trong thức ăn, hạn chế ăn thực phẩm đóng gói sẵn vì trong thành phần thường chứa nhiều muối.

- Tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách vận động thể thao 1 tuần 5 buổi, mỗi buổi khoảng 30 - 60 phút.

- Không sử dụng thuốc lá, hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu và các thức uống có cồn khác.

- Giảm stress bằng cách cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

- Bệnh cao huyết áp có thể ngăn ngừa tốt bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học.